Hiện nay nuôi tép cảnh đang là trào lưu rất hot vì sự mới lạ và đa dạng sắc màu của loài tép cảnh, đặc biệt khi nuôi tép cảnh chung với cá để tạo nên quần thể hồ cảnh đặc sắc.
Giới thiệu về tép cảnh
Tép cảnh là loài tép nhỏ thủy sinh xuất xứ từ những con suối ở miền nam Trung Quốc. Là loài tép thủy sinh được dùng làm cảnh rất được ưa chuộng và có giá trị cao từ hàng trăm nghìn đồng đến cả hàng nghìn đô la.
Việc nuôi tép cảnh cũng giống như lựa chọn một con vật nuôi hay cá cảnh, cần lựa chọn các con khỏe mạnh, háu ăn, nhanh nhẹn để nuôi.
Loài tép cảnh sống theo bầy đàn, nên chọn nuôi ít nhất 10 con, khi sống theo bầy đàn tép sẽ hoạt bát hơn, không ẩn nấp mà tự tin bơi lội tìm kiếm thức ăn.
Nuôi tép cảnh chung với cá có sao không?
Trong tự nhiên cá coi tép là một món thức ăn nhẹ, nên khi nuôi tép cảnh chung với cá sẽ không tránh khỏi các trường hợp tép bị cá ăn, đặc biệt là tép con, các con tép lớn không vừa miệng thì có thể bị cá rỉa từng phần.
Vì vậy khi nuôi tép chung với cá cần lưu ý: chọn các loài cá size nhỏ, phù hợp nuôi với tép; tăng cường cây tán rộng, hang, vật trang trí để tép có chỗ trú ẩn; đến mùa sinh sản của cá hoặc của tép thì nên tách riêng 2 loài ra vì sẽ ảnh hưởng đến việc sinh sản của các loài…
Vài lưu ý quan trọng khi nuôi tép cảnh chung với cá
Phần lớn các loài cá đều ăn tép, tuy nhiên nếu biết chọn lựa loại cá và bố trí bể nuôi hợp lý khi thì bạn sẽ dễ dàng nuôi tép cảnh chung với cá. Có một số lưu ý như sau:
Không gian ẩn nấp cho tép cảnh
Tép không thể chủ động tự vệ và bảo vệ mình khỏi sự săn đuổi của cá, vì vậy bạn cần chuẩn bị các không gian ẩn nấp khi nuôi tép cảnh chung với cá. Ví dụ:
- Thiết kế các khu vực bụi cây, rêu java dày đặc để tép ẩn nấp
- Tổ chức thêm nhiều không gian ẩn nấp như hang, ống, lũa, đồ trang trí rỗng bên trong…
Nuôi Tép trước và thả cá vào sau
Sau khi setup hết bể nuôi, bước tiếp theo bạn sẽ thả tép vào bể trước, sau đó mới thả cá vào. Mục đích để tép tự thành lập môi trường sinh sống, phát triển và sinh sản tạo thành 1 quần thể, sau đó mới cho các loài cá khác vào.
Có 2 điều quan trọng cần lưu ý khi cho cá vào bể tép:
- Lý tưởng là nên cho cá con vào nuôi chung với tép, cá và tép sẽ làm quen nhanh hơn, giảm khả năng cá ăn tép khi cá lớn lên.
- Cần thả cá vào ban đêm, lúc này tép đã tìm được nơi trú ngụ, không còn bơi lội nữa sẽ thích hợp cho cá vào bể – để tránh trường hợp cá đi săn tép. Bạn nên tắt hết đèn, chờ đêm tối hoặc tạo 1 không gian hoàn toàn tối hẳn để thả cá.
Kích thước bể
Thông thường, một bẻ nuôi tép cảnh có thể tích 60 lít trở lên, để nuôi tép cảnh chung với cá có thể chọn bể rộng rãi để hai loài sống chung một cách thoải mái. Đồng thời có thể tăng thêm vật trang trí, hang, rong rêu để giảm các hành vi hung hăng săn mồi của cá.
Cho cá và tép cảnh ăn
Thức ăn của tép cảnh sẽ luôm chìm xuống dưới để tép dễ ăn. Thức ăn của cá thì tùy loài sẽ nổi lên trên như của cá neon, cá bảy màu, hoặc chìm.
Vì vậy trong quá trình cho tép và cá ăn nên rải đều thức ăn quanh bể để cá không tranh thức ăn của tép. Không nên cho tép ăn quá nhiều, vì trong bể đã có sẵn nguồn thức ăn tự nhiên và tránh gây sán cho tép.
Lưu ý dọn vệ sinh thức ăn thừa để tránh sinh nấm mốc, rong rêu, bọ nước gây hại cho bể.
Các loại cá nuôi chung với tép
Loại cá nào cũng sẽ ăn tép khi gặp đúng size tép vừa miệng của cá, vì vậy khi nuôi tép cảnh chung với cá thì nên lưu ý thêm về kích thước giữa cá và tép để chọn nuôi cùng. Sau đây là một vài loài cá hiền lành, có thể kết hợp nuôi chung được:
Cá Neon dạ quang
Đây là loài cá hiền nhất, không đi săn lùng tép theo tập tính săn mồi. Kích thước của cá Neon cũng khá nhỏ, tương đồng với kích thước của tép nên không ăn được tép, tuy nhiên đôi khi cá Neon sẽ ăn phải tép con, do vô tình theo tập tính đớp mồi nên sẽ nuốt vào.
Vì vậy khi nuôi chung nên bố trí nhiều khu vực trú ẩn cho tép con hoặc tách riêng tép con ra để nuôi.
Cá bảy màu
Cá bảy màu cũng hiền như cá Neon, chỉ có một lưu ý về thức ăn vì 2 loài dùng thức ăn khác nhau.
Cá bảy màu, cá Neon ăn thức ăn nổi trên mặt nước, còn thức ăn của tép sẽ chìm xuống đáy hồ.
Cá tam giác
Cá tam giác được mệnh danh là anh hàng xóm thân thiện với tép cảnh, góp phần tăng thêm vẻ sinh động cho bể cá
Cá Otto dọn bể
Cá Otto chăm chỉ dọn sạch vệ sinh của bể cá và không quan tâm đến các loài xung quanh, thêm vào đó miệng cá Otto cũng khá nhỏ nên không gây nguy hiểm cho tép.
Cá lau kiếng
Cá lau kiếng cũng giống cá Otto, luôn chăm chỉ dọn sạch thức ăn thừa, rong rêu. Tuy nhiên cá lau kiếng lại rất háu ăn, nên khi cho cá và tép ăn thì nên rải thức ăn đều khắp bể, tránh trường hợp cá lau kiếng giành ăn của tép.
Các loài cá chuột
Tất cả các loài cá chuột đều chung sống hòa bình với tép cảnh, ngay cả những con tép cảnh con nên bạn có thể nuôi chung 2 loài với nhau.
Ốc Nerita
Rất nhiều người chọn nuôi ốc Nerita trong hồ thủy tinh vì vẻ đẹp mang tính trang trí của nó.
Ốc Nerita sẽ ăn các loại rêu gây hại cho bể, giúp hệ sinh thái bên trong bể thủy tinh được tốt hơn và không làm lại loài tép cảnh.
Thêm vào đó tép còn ăn chất thải từ ốc, nên khi nuôi chung 2 loài này với nhau tạo thành 1 hệ sinh thái cộng sinh trong bể.
Cá Cầu vồng Fortail
Loài cá cầu vồng thường sống ở tầng giữa của bể nên đa phần không làm hại đến tép cảnh. Thêm vào đó cá cầu vồng có vẻ ngoài rất đẹp, tạo nên một quần thể bể cá sinh động và đẹp mắt.
Các loài cá có thể nuôi chung với tép trưởng thành:
Các loài cá sau đây luôn sẵn sàng ăn bất cứ loài gì vừa miệng nó, do đó bạn có thể nuôi tép trưởng thành chung với các loài cá này, đến giai đoạn tép sinh sản thì cần tách ra ngay:
- Các dòng cá sọc ngựa (Danios)
- Cá trâm
- Cá thủy tinh, bút chì
Những loại cá tuyệt đối không nên nuôi chung với tép
Sau đây là những loài cá không thể nuôi chung với tép cảnh:
Cá Vàng : Cá vàng có kích thước lớn và rất háu ăn, nó có thể tranh giành thức ăn với các loài cá khác và ăn bất kỳ món nào vừa miệng.
Cá Đĩa: Loài cá Đĩa cùng là một loài rất hung dữ và thích săn mồi nên sẽ là mối đe dọa cho loài tép.
Cá Betta: Cá Betta là những thợ săn chuyên nghiệp, luôn lượn lờ săn lùng thức ăn và chúng rất hung dữ, luôn có xu hướng tấn công các loài cá khác nếu gây căng thẳng cho chúng.
Cá Thần Tiên : nuôi cá Thần tiên cần diện tích bể cá lớn và có xu hướng đuổi bắt các loài cá nhỏ hơn chúng nên tốt nhất không nên nuôi chung tép cảnh hay các loài cá,, giáp xác nhỏ hơn.
Lời kết
Nuôi tép cảnh là một thú chơi mới mẻ nên cần tham khảo thêm nhiều kiến thức để chăm tép được tốt hơn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho bạn thêm nhiều thông tin bổ ích về việc nuôi tép cảnh chung với cá hiệu quả.