Cá rồng được cho là một trong những loài cá được nhiều người nuôi lựa chọn. Tuy nhiên, việc nuôi cá rồng khoẻ mạnh toàn diện lại không hề đơn giản, bởi cá rồng rất dễ mắc những loại bệnh khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về những bệnh thường gặp ở cá rồng một cách chi tiết nhất, giúp bạn có thêm kinh nghiệm để giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Giới thiệu cá rồng
Với danh xưng là “đại phú đại quý”, cá rồng được đông đảo giới thượng lưu yêu mến và săn lùng.
Cá rồng tên khoa học là Osteogleossidae, tên tiếng Anh là Red Fish. Chúng xuất hiện từ khá lâu, khoảng hơn 200 triệu năm về trước. Dòng cá rồng, theo quan niệm dân gian được tượng trưng cho sự may mắn, kim tiền, phú quý của gia đình cũng như cộng đồng xã hội.
Cá rồng con mang những đặc trưng của dòng họ cá rồng. Tuy nhiên, với các chi khác nhau nên chúng có những nét riêng biệt về ngoại hình.
Tính cách của cá rồng đều mang tính hung dữ, có bản tính săn mồi rất tốt và không thích sống chung với các dòng cá khác.
Cá rồng có rất nhiều giống khác nhau, trong đó có một số loại phổ biến như:
- Cá rồng Huyết Long
- Cá rồng Kim Long
- Cá rồng Kim Long hùng vỹ
- Cá rồng Hồng Long
- Cá rồng Thanh Long
- Cá rồng Ngân Long
- Cá rồng đen (Hắc Long)
Cá rồng là một loại cá mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đòi hỏi người nuôi phải cẩn trọng, kì công trong quá trình chăm sóc, nếu không rất dễ dẫn đến việc cá rồng mắc bệnh. Vậy, những bệnh thường gặp ở cá rồng là những bệnh nào, triệu chứng và cách điều trị ra sao?
Những bệnh thường gặp ở cá rồng
Bất cứ ai khi nuôi cá rồng đều mong những chú cá của mình được mạnh khỏe. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi không tránh khỏi được những yếu tố bên ngoài tác động khiến cho cá bị bệnh.
Vì vậy, người nuôi cá rồng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cũng như chú ý đến các loại bệnh để hạn chế mức tối đa việc nhiễm bệnh cho cá.
Những bệnh thường gặp ở cá rồng có thể kể đến một số bệnh như sau:
Bệnh xoăn mang (kênh mang)
Triệu chứng & nguyên nhân
Bệnh xoăn mang là một bệnh rất phổ biến ở cá rồng. Bệnh này ở giai đoạn đầu có triệu chứng như thở gấp, mang cá đóng mở không êm ái. Giai đoạn sau, mang cá mở rộng hơn, thấy rõ được những cơ cấu ở trong mang.
Nếu bệnh để lâu, lớp vỏ cứng của mang cũng bị vênh ra. Từ đó, sẽ làm cá trở nên khó thở, kém ăn và quan trọng hơn là cá rồng sẽ mất ngoài hình đẹp và không còn giá trị cao.
Nguyên nhân chính của bệnh xoăn mang là cá rồng bị nhiễm bẩn, không được chăm sóc kĩ lưỡng và kí sinh. Việc thay nước không thường xuyên làm cho lượng nitrat, amoniac trong nước tăng, lượng oxy bị giảm nên vấn đề hô hấp của cá rồng gặp khó khăn.
Ngoài ra, một số loại vi khuẩn kí sinh trong mang cá làm cho cơ cấu mang bị viêm nhiễm nên vỏ mang bị đẩy phình lên.
Cách chữa trị
Với bệnh xoăn mang ở cá rồng điều trị như thế nào? Khi bạn thấy cá rồng có dấu hiệu thở bất thường thì nên thay 20% nước mỗi ngày và tăng cường sủi khí. Hoặc có thể dùng bình oxy sục vào bể, duy trì PH 6.5 và 2 lạng muối/ 100 lít nước.
Khi cá rồng bị xoăn mang nhẹ: bạn có thể dùng lá bàng khô ngâm nước, sau đó lấy nước đã ngâm đổ vào bể, lớp xoăn mang sẽ được giảm dần.
Khi cá bị xoăn lớp mỏng viền mang: có thể cắt phần xoăn và chăm sóc cá rồng với chế độ giàu oxy. Nếu mang cá bị kênh lớp vỏ cứng thì rất khó để điều trị.
Bệnh xù vẩy
Triệu chứng & nguyên nhân
Bệnh xù vẩy ở cá rồng có biểu hiện là hàng vẩy ở phần lưng bị kênh lên. Cá rồng bị nặng thì toàn bộ lớp vẩy trên người đều bị kênh, mắt cá sẽ hơi lồi ra. Lúc này cá sẽ bỏ ăn và có biểu hiện oằn mình.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là do nấm và sự thay đổi đột ngột từ môi trường, nước bị nhiễm bẩn nặng, ít oxy.
Cách chữa trị
Với bệnh xù vẩy đầu tiên người nuôi phải cố gắng duy trì nhiệt độ nước là 30 – 31 độ C, tăng cường lượng muối và bổ sung bột vàng của Nhật trong bể.
Chú ý thay nước 2 lần/ ngày. Những ngày đầu điều trị cho cá, không nên cho cá ăn và những ngày sau sẽ cho cá một lượng ít thức ăn.
Nếu cá rồng của bạn bị nhẹ, thì bệnh sẽ hết trong 2 ngày. Tuy nhiên vẫn phải duy trì thay nước thường xuyên trong 1 tuần và ổn định nhiệt độ đảm bảo cho cá. Bệnh xù vẩy ở cá rồng nếu để quá nặng sẽ dẫn đến khả năng không thể điều trị được.
Bệnh sụp mắt
Triệu chứng & nguyên nhân
Theo nhiều nghiên cứu ở nước ngoài triệu chứng sụp mắt ở cá rồng 60% do di truyền.
Cá đang độ trưởng thành có xu hướng bị sụp mắt rất nhiều vì một số nguyên nhân khách quan như:
- Thả nhiều thức ăn xuống bể một lúc khiến cá có thói quen ăn chìm;
- Cá ăn quá nhiều (tạo lớp mỡ dưới tròng mắt)
- Xung quanh có nhiều vật chuyển động ở tầng thấp, khiến cá có thói quen quan sát ở thấp
Cách chữa trị
Với triệu chứng này, có một số cách ngăn chặn như sau:
- Thả vật nổi trên mặt nước (bóng nhiều màu)
- Tạo thói quen ăn mồi nổi ngay khi cá còn bé với số lượng ít (vớt mồi còn lại khi cá ăn thừa)
Một số cá có giá trị kinh tế cao như: hồng long, kim hồng vĩ nên nuôi một mình một bể, đáy bể nên dán kín. Nếu nuôi chung nên tránh một số cá ăn chìm như vịt, sam, lau bể…
Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ nhằm mục đích để cá không bị sụp mắt sớm, nuôi lâu thì rất khó có thể tránh được bệnh này. Vậy nên, quan trọng nhất là phải chọn được cá có mắt đẹp vì khi bị sụp rồi sẽ không chữa được nữa.
Bệnh đục mắt
Triệu chứng & nguyên nhân
Nguyên nhân chính khiến cho cá rồng bị đục mắt đó là môi trường sống bị nhiễm bẩn, nước không được thay thường xuyên, lượng nitrat và amoniac quá nhiều.
Vi khuẩn gây ra bệnh này ở cá rồng có hình nón bám vào tròng mắt làm mắt cá bị viêm, và khiến mắt cá bị mờ. Nếu không được điều trị kịp thời, mắt cá sẽ hỏng hoàn toàn.
Cách chữa trị
Bạn cần thay nước bể thường xuyên 1 lần /ngày mỗi lần 1/4 số lượng nước trong bể, tăng lượng muối trong bể và duy trì nhiệt độ 29 – 32 độ C.
Ngoài ra, có thể dùng tetraxilin hay metronidazone với liều lượng 500mg/ 50 lít nước.
Bệnh trướng bụng / Sình bụng
Triệu chứng & nguyên nhân
Trướng bụng, sình bụng ở cá là một trong những bệnh khá phổ biến ở dòng cá rồng. Bệnh này có biểu hiện như: bụng cá to hơn bình thường, cá kém ăn, bỏ ăn, khó bơi lội.
Ngoài ra, bệnh còn có biểu hiện khi cá bài tiết phân dính sợi trắng ở hậu môn. Nặng hơn thì hậu môn bị chảy nước nhờn.
Nguyên nhân dẫn đến cá bị trướng bụng chủ yếu là do ăn uống, thức ăn không đạt tiêu chuẩn nên dẫn đến khó tiêu và viêm ruột.
Cách chữa trị
Bệnh trướng bụng khá dễ chữa với cá rồng, bạn chỉ cần thay 1/3 lượng nước, tăng lượng muối, tăng sục khí và giữ nhiệt độ 30 độ C, và thêm một lượng metronidazol và theo dõi thêm.
Bệnh đốm trắng
Triệu chứng & nguyên nhân
Khi cá rồng nhiễm bệnh đốm trắng là cá rồng có biểu hiện hay chà mình vào thành bể, bỏ ăn, khi bơi lội hay bị giật mình, bể cá có mùi tanh nồng, nước đục…
Trường hợp cá bị nặng thì trên thân, đuôi, đặc biệt là ở vây xuất hiện những đốm trắng và lan ra rất nhanh. Nếu không điều trị kịp thời, khả năng cao cá sẽ chết.
Bệnh đốm trắng là một dạng nấm, bám trên mình cá và hút chất lỏng trên người cá khiến cá gặp khó chịu. Nấm này phát triển rất nhanh với nhiệt độ 25 độ C.
Cách chữa trị
Bệnh ở giai đoạn đầu: cá rồng có dấu hiệu bị bệnh, bạn nên tăng nhiệt độ khoảng 32 độ C, bệnh nhẹ cá sẽ tự khỏi.
Khi cá rồng bị nặng: phải thay nước liên tục và ít một, thêm muối ăn. Bạn nên mua thêm một số thuốc điều trị bệnh đốm trắng để chữa dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài và trở nặng hơn.
Bị ký sinh trùng bám (Trùng mỏ neo, rận cá,…)
Triệu chứng & nguyên nhân
Kí sinh trùng bám là bệnh thường thấy ở nhiều loài cá, không riêng gì cá rồng. Với cá rồng khi bị kí sinh trùng bám, cá sẽ có triệu chứng kém ăn, gầy yếu, xuất hiện vết viêm và xuất huyết ở xung quanh chỗ trùng bám.
Chỗ bị kí sinh trùng bám là cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập. Trùng thường kí sinh ở mang, da, vây, mắt trên các loài cá.
Cách chữa trị
Đối với bệnh kí sinh trùng bám trên cá rồng có một số cách điều trị như sau:
- Cách 1: Dùng thuốc số 0, pha theo tỉ lệ 10 lít nước với 1ml thuốc. Để khoảng 2 -3 ngày thay bớt nước và thêm thuốc theo đúng hàm lượng.
- Cách 2: Dùng thuốc tím 1 – 2.5g/100 lít nước tắm cá trong 1 giờ đồng hồ.
- Cách 3: Có thể dùng thuốc Dipterex 5g/ 100 lít nước, mỗi tuần 2 lần.
Cá Rồng bị stress
Ngoài những bệnh thường gặp ở cá rồng mà bài viết vừa nêu trên, thì bệnh cá rồng bị stress cũng là bệnh thường thấy và ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cá.
Vậy, cá rồng bị stress có dấu hiệu như thế nào?
Triệu chứng & nguyên nhân
Triệu chứng thường thấy khi cá rồng bị stress đó là cá rồng có nằm ở dưới đáy của bể trong nhiều ngày liên tục. Khi cá bị căng thẳng sẽ dẫn tới lười vận động, thêm nữa sẽ xuất hiện dấu hiệu cá bỏ ăn trong nhiều tuần.
Ngoài ra, tăng động cũng là một dấu hiệu khiến cá bị stress. Biểu hiện này cho thấy cá rồng có xu hướng vận động nhanh với tốc độ khác thường. Trường hợp cá rồng bị nặng, thường xuyên bơi đâm thẳng vào thành bể hoặc cắn những loài cá khác cùng bể, cọ mình vào thành bể…
Nếu tình trạng này để lâu, cá sẽ yếu dần và chết đi, người nuôi không kiểm soát được.
Cách chữa trị
Đối với bệnh này của cá rồng, người nuôi nên đáp ứng một số sở thích của cá để giảm ức chế, căng thẳng cho cá, như: cá rồng thích ăn côn trùng, tôm, ếch, nhái tươi… cá rồng còn thích màu vàng nhạt nên người nuôi có thể trang bị thêm bóng đèn sợi đốt trong bể.
Một trong những cách điều trị khi cá rồng bị stress đó là nâng cao chất lượng sống trong bể nuôi cho cá rồng. Người nuôi nên thường xuyên thay đổi nước, đảm bảo độ sạch và nhiệt độ ổn định để cá không bị sốc.
Trường hợp cá bị nặng, người nuôi có thể dùng thuốc giảm stress cho cá rồng và tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong việc sử dụng thuốc hiệu quả cho cá.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ chi tiết về những bệnh thường gặp ở cá rồng cũng như dấu hiệu và phương pháp điều trị hiệu quả cho cá. Hi vọng, bài viết trên sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích cho bạn đọc, giúp bạn đọc có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi và chăm sóc cá rồng. Chúc bạn thành công!