Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá

Là một người chơi thủy sinh, chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua việc dùng cỏ thủy sinh để tạo nên những mảng xanh bên trong bể. Không chỉ có tác dụng làm đẹp cho bể, mà còn là một nguồn thức ăn dinh dưỡng cho các loại động vật nuôi bên trong bể. Hãy cùng Hello Thú Cưng tìm hiểu về cỏ thủy sinh là gì? Chúng có đặc điểm gì? Và những loại cỏ thủy sinh dễ trồng, chăm sóc.

Cỏ thủy sinh là cây gì?

Cỏ thủy sinh là loại cây sống dưới nước (nước mặn hoặc nước ngọt), hoặc một phần trong nước, trong môi trường ẩm ướt, hoặc có thể hoàn toàn sống được trong nước. Có khả năng sinh trưởng và phát triển bình thường trong điều kiện sống với một khoảng thời gian dài. 

Đặc điểm của Cỏ thủy sinh

Cỏ thủy sinh là loại cây thủy sinh không có lông hút, chúng hút nước bằng tế bào biểu bì bao quanh cơ thể. 

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá
Cỏ thủy sinh thường mọc thành từng bụi

Đây là loại cây thủy sinh rất dễ trồng và có nhu cầu dinh dưỡng ở mức cơ bản. Chúng có thể phát triển tốt trong điều kiện đủ ánh sáng, hàm lượng CO2 trong nước và các khoáng chất nitrat, phosphat, kali, nồng độ ion sắt.

Cỏ thủy sinh thường mọc thành từng bụi, vì vậy thường được người chơi thủy sinh chọn trồng tại vị trí trung tâm hoặc làm tiền cảnh. 

Các loại cỏ thủy sinh thường có đặc điểm chung là có lá nhỏ, mỏng và bồng bềnh trong nước. Đây là những nơi trú ẩn cho các loại cá thủy sinh nhỏ hay tép cảnh. 

Xem thêm:

Các loại Cỏ thủy sinh

Cỏ thìa thủy sinh

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá
Cỏ thìa thủy sinh

Cỏ thìa thủy sinh có tên khoa học là Sagittaria Subulata, là loại cỏ thủy sinh được tìm thấy ở các nước trong khu vực châu Á, châu Mỹ. Đây là loại cây thủy sinh dễ trồng, phát triển nhanh, có chiều cao 5-15cm. Thường được trồng ở vị trí trung cảnh hoặc tiền cảnh.

Cỏ thìa thủy sinh sống trong điều kiện ưa sáng và trong hồ có nhiều dinh dưỡng. Với đặc điểm có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng tốt, đây chính là một lựa chọn phù hợp cho các hồ thủy sinh bị dư chất dinh dưỡng. 

Trong điều kiện, hồ có cung cấp đủ hàm lượng CO2, sẽ giúp cho cỏ thìa thủy sinh tăng trưởng tốt hơn, lá xanh căng và bung xòe.

Tuy là loại cỏ thủy sinh ưa sáng, nhưng nó sẽ phát triển tốt hơn trong vùng ánh sáng yếu. Nơi có ánh sáng mạnh sẽ làm kìm hãm sự vươn lên cao và đẻ nhánh của chúng.

Cỏ thìa thủy sinh sinh trưởng và lan nhanh chóng, nên khoảng cách trồng tối ưu nhất là từ 2-4cm. 

Những điều kiện để trồng và chăm sóc cỏ thìa thủy sinh tốt nhất:

  • Nhiệt độ: 18-28oC
  • Độ cứng của nước: 2-30 dKH
  • Độ pH: 5-9 
  • Nồng độ CO2: 5-40mg/L

Cỏ Nhật thủy sinh

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá
Cỏ Nhật thủy sinh

Cỏ Nhật thủy sinh có tên khoa học là Blyxa Japonica, là loại cỏ thủy sinh sinh sống ở vùng ứ đọng, bể cạn hay đầm lầy hoặc ở những vùng có dòng suối chảy chậm trong các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Đông Nam Á và Đông Á.  

Cỏ Nhật thủy sinh sinh trưởng ở điều kiện cơ bản, không quá khắt khe. Ở điều kiện ánh sáng cao, lá của loại cỏ thủy sinh này sẽ có màu vàng hoặc vàng đỏ, phát triển nhỏ gọn hơn. Trong điều kiện ánh sáng yếu, cỏ sẽ có màu xanh hơn, cao và ốm hơn.  

Thích hợp để trồng ở vị trí trung cảnh và tiền cảnh trong bể.

Đây là loại cỏ thủy sinh có chiều dài thân ngắn, không mọc lan ra thành bụi nhưng phát triển thành nhánh. Những nhánh phụ này có thể tách ra và trồng tiếp, tuy cây nhẹ, dễ nổi lên mặt nước nhưng lại phát triển nhanh chóng.

Những điều kiện để trồng và chăm sóc cỏ Nhật thủy sinh tốt nhất:

  • Nhiệt độ: 20-28oC
  • Độ cứng của nước: 0-7 dKH
  • Độ pH: 5-6
  • Nồng độ CO2: 25-40mg/L

Cỏ lưỡi rắn thủy sinh

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá
Cỏ lưỡi rắn thủy sinh

Cỏ lưỡi rắn thủy sinh có tên khoa học là Lilaeopsis Brasiliensis. Còn được biết với tên gọi khác là cây huệ nước. Thường phân bố ở khu vực Nam Mỹ.

Đây là loại cỏ thủy sinh yêu cầu cường độ ánh sáng cao và môi trường giàu chất dinh dưỡng. Chúng có thể phát triển dày đặc và lan nhanh khi có ánh sáng mạnh. Có chiều cao khoảng 4-7cm. Thường được trồng ở vị trí tiền cảnh.

Không nên trồng cỏ lưỡi rắn thủy sinh dưới tán cây của loại cây khác vì khi đó chúng không thể đón ánh sáng một cách tốt nhất. 

Những điều kiện để trồng và chăm sóc cỏ lưỡi rắn thủy sinh tốt nhất:

  • Nhiệt độ: 15-26oC
  • Độ cứng của nước: 2-14 dKH
  • Độ pH: 6-7.5
  • Nồng độ CO2: 10-40mg/L

Cỏ Cọp

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá
Cỏ Cọp

Cỏ cọp có tên khoa học là Vallisneria Nana. Có xuất xứ từ châu Á. Cỏ cọp có màu xanh non, trên lá có những vệt màu nâu, khi ánh sáng càng mạnh thì những vệt này càng rõ.

Đây là loại cỏ thủy sinh sinh trưởng trong điều kiện sáng thấp, nồng độ CO2 trong nước ở mức trung bình. Có tốc độ phát triển chậm và chiều cao khoảng 20-50cm, chiều rộng lá 1-2cm.

Chúng phát triển không cao hơn mặt nước. Thường được trồng ở vị trí hậu cảnh, tạo nên một màu xanh mát dịu cho hồ, làm cho hồ thủy sinh thêm đẹp mắt và có chiều sâu hơn.

Những điều kiện để trồng và chăm sóc cỏ cọp thủy sinh tốt nhất:

  • Nhiệt độ: 22-28o
  • Độ cứng của nước: 8-12 dKH
  • Độ pH: 5-7
  • Nồng độ CO2: thấp

Cỏ Ranong

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá
Cỏ Ranong

Cỏ Ranong có tên khoa học là Cyperus Helferi, chúng được tìm thấy ở các dòng sông nơi có dòng nước chảy chậm hay tù đọng ở Thái Lan. 

Cỏ Ranong là loại cỏ thủy sinh có tán lá dài và mỏng, phù hợp cho vị trí hậu cảnh. Cây phát triển và đẻ nhánh, vì vậy có thể tách cây con để trồng nơi bể khác để phát triển thành những bụi dày hơn. 

Đây là loại cỏ không yêu cầu điều kiện sống khó khăn, chúng sống trong môi trường ánh sáng vừa phải, nhiệt độ mát mẻ và dinh dưỡng ở mức trung bình. 

Những điều kiện để trồng và chăm sóc cỏ Ranong thủy sinh tốt nhất:

  • Nhiệt độ:22-25oC
  • Độ pH: 5 – 7.6
  • Nồng độ CO2: trung bình

Cỏ dùi trống thủy sinh

Top 6 loại cỏ thủy sinh dễ trồng và chăm sóc trong bể cá
Cỏ dùi trống thủy sinh

Cỏ dùi trống có tên khoa học là Eriocaulon Cinereum, chúng được tìm thấy ở các khu vực nhiệt đới hoặc các các vùng có khí hậu ấm áp của châu Phi và châu Úc. Ở Việt Nam, cỏ dùi trống phát triển nhiều ở phía Nam, ở những vùng ẩm ướt, ngập nước tạm thời.

Loại cỏ thủy sinh này phát triển ở điều kiện ánh sáng mạnh, nước mềm, hàm lượng dinh dưỡng nhiều và nồng độ CO2 trong nước cao. 

Cỏ dùi trống khá nhỏ, cây mọc thành những nhánh nhọn và cứng. Thích hợp trồng ở tiền cảnh.

Ở điều kiện sống bình thường, chúng có màu xanh bạc hà, khi cung cấp đầy đủ dưỡng chất và CO2, vùng trung tâm sẽ bắt đầu chuyển sang màu đỏ hoặc màu ánh kim.

Đến khi bắt đầu có nụ hoa, những nhánh cỏ sẽ trông như chiếc dùi trống. Tuy nhiên, cần phải cắt ngay, vì nếu nở hoa thì cây sẽ chết.

Mặc dù điều kiện sống khó khăn, nhưng việc nhân giống cỏ dùi trống lại rất đơn giản. Chỉ cần dùng dao bén chia đôi gốc cây rồi trồng ở một nơi khác thì chúng sẽ vẫn phát triển bình thường. 

Cách trồng và chăm sóc Cỏ thủy sinh

Cách trồng cỏ thủy sinh

Đầu tiên, cần tìm hiểu điều kiện sống và sinh trưởng của các loại cỏ thủy sinh muốn trồng.

Trước khi trồng cỏ thủy sinh, cần phải có một lớp nền để phủ đáy bể, để giúp cây có thể hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển tốt.

Để tránh cho nước bị đục khi có sự khuấy động nước, bạn cần rải thêm một lớp sỏi lên trên, độ dày khoảng 7-10cm.

Khi trồng cỏ thủy sinh, bạn cần dựa vào kích thước: độ dài ngắn, độ lớn nhỏ khi phát triển để chọn thứ tự trồng cho thích hợp. Trồng những loại cỏ thủy sinh mọc dài, kích thước lớn trước rồi đến cây ngắn. 

Lưu ý khi trồng cần bám vào lớp nền, không được quá sâu, đảm bảo thân rễ không bị vùi lấp. 

Cách chăm sóc cỏ thủy sinh

Ánh sáng: cỏ thủy sinh luôn cần ánh sáng để phát triển. Ánh sáng hằng ngày không nên ít hơn 6 tiếng. Tốt nhất là sử dụng đèn huỳnh quang để lá không bị cháy nắng.

Nhiệt độ: nhiệt độ nước cần duy trì ở khoảng 25oC cho đại đa số các loại cỏ thủy sinh. 

Bổ sung chất dinh dưỡng: cần phải bổ sung thêm dưỡng chất để cây có thể phát triển đẹp và không mắc bệnh. 

Mật độ thực vật: số lượng cây trồng trong bể cần phù hợp với kích thước của bể, đủ không gian phát triển cho tất cả các loại thực vật cũng như động vật có trong bể. 

Cắt tỉa cây thủy sinh: cố gắng chỉ loại bỏ những lá già, để lại lá mới. Không cắt tỉa đồng thời toàn bộ các cây trong bể thủy sinh, cũng như thay nước cùng một lúc. Vì khi đó, cây cỏ đã bị tổn thương, cần ổn môi trường ổn định để phục hồi.

Thay nước bể cá thủy sinh: thông thường khoảng 2 tuần thay ⅓ lượng nước, nếu không thêm khí CO2 thì khoảng 2-3 ngày tiến hành thay nước.

Giá Cỏ thủy sinh bao nhiêu? Các địa chỉ mua bán cỏ thủy sinh.

Các loại cỏ thủy sinh trên thị trường hiện nay rất đa dạng, với nhiều mức giá khác nhau phụ thuộc vào độ phổ biến hay quý hiếm của nó. 

Với mức giá trong khoảng 15.000-50.000VNĐ, bạn có thể tìm mua các loại cỏ thủy sinh mà [tên page] đã giới thiệu như trên.

Ngoài ra, một số loại cỏ thủy sinh có mức giá từ 100.000VNĐ hay thậm chí là lên đến vài triệu đồng. Ví dụ như dương xỉ lá nhỏ có giá 100.000VNĐ, cây Choi lưới, cây láng xoắn có mức giá 200.000-250.000VNĐ, Bucep ghost có giá dao động khoảng 2-4 triệu đồng.

Một số địa chỉ bạn có thể tìm mua cỏ thủy sinh:

  1. Shop thủy sinh – 677/124/19 Nguyễn Ảnh Thủ – Phường Hiệp Thành – Quận 12, TPHCM
  2. Thủy sinh tím – CN HCM – Số 1A Bàu Cát, phường 14, Tân Bình, TPHCM
  3. Thủy sinh tím – CN Hà Nội – Số 81, Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, HN
  4. Cửa hàng thủy sinh – Vũ Aqua – số 46, ngõ 24, phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy, HN

Lời kết

Cỏ thủy sinh không chỉ có tác dụng trang trí, tạo sức hút cho bể cá mà nó còn tạo một không gian thiên nhiên, giúp cho môi trường sinh sống của các động vật trong bể phát triển. Bạn có thể tham khảo thêm các loại cỏ thủy sinh khác tại trang web của Hello Thú Cưng, để có thể lựa chọn cho mình những loại cỏ thủy sinh thích hợp cho bể cá của bạn nhé!

About The Author

Leave a Comment

Your email address will not be published.

Scroll to Top