Poodle là giống cảnh khuyển có khả năng thích nghi kém khi ở môi trường mới. Hơn nữa sức đề kháng của chúng cũng kém hơn so với những dòng chó cảnh khác. Bởi vậy chủ nuôi cần nắm bắt các bệnh thường gặp ở chó Poodle để có biện pháp phòng tránh. Đồng thời chúng ta cũng có thể nhận biết và chữa trị nhanh chóng nếu chẳng may thú cưng nhà mình mắc phải một trong số những căn bệnh này.
Bệnh viêm đường ruột cấp ở chó Poodle
Thực tế các giống cảnh khuyển kích thước nhỏ như Poodle, chó Nhật, phốc sóc… dễ mắc bệnh đường ruột. Bởi chúng có hệ tiêu hóa không tốt. Mặc dù căn bệnh này không quá nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị sớm thú cưng sẽ bị hạn chế về khả năng hấp thụ thức ăn. Nó khiến cho Poodle chậm lớn, ốm yếu với cơ thể còi cọc. Thậm chí bệnh nặng còn gây mất nước, chú cún kiệt sức dẫn đến tử vong.
Xem thêm:
Chó Poodle ăn gì? Thức ăn, chế độ ăn phù hợp cho từng độ tuổi (2022)
Cách nuôi chó Poodle từ A – Z đạt hiệu quả cao nhất (2022)
Nguyên nhân gây ra bệnh
Do giun móc (Ancylostoma caninum): Thông thường các loại giun móc sẽ xuất hiện ở ruột non. Chúng giống như những móc nhọn cắm vào trong thành ruột. Giun móc sống ký sinh và hút máu, gây nên tổn thương làm xuất huyết viêm mạc ruột. Từ đó dẫn đến bệnh viêm ruột cấp ở Poodle.
Do virus: Virus là tác nhân gây nên những căn bệnh thường gặp ở chó Poodle. Trong đó có bệnh đường ruột Parvo và Care. Khi mắc phải loại bệnh này thú cưng sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao, khoảng 80 – 90%. Bởi vậy trong trường hợp Poodle bị bệnh bạn nên đưa đến cơ sở thú ý để chữa trị kịp thời.
Do vi khuẩn: Khi Poodle ăn và uống nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Một số loại vi khuẩn nguy hiểm như: E Coli, Clostridium, Salmonella… Chúng thường phát triển trong niêm mạc ruột, gây ra bệnh đường ruột cấp ở chó Poodle.
Biểu hiện của bệnh
Đầu tiên chó Poodle sẽ có biểu hiện bỏ ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Một vài ngày sau thú cưng rơi vào tình trạng sốt cao 38 – 39 độ C kèm theo tiêu chảy, nôn mửa. Khi đi vệ sinh, phân của cún con thường có màu xám đen, loãng, mùi hôi tanh.
Khi bệnh kéo dài nhiều ngày, bạn sẽ thấy Poodle đi không vững, bụng thóp, mắt lờ đờ. Bên cạnh đó việc nôn mửa và tiêu chảy liên tục dễ làm cho thú cưng mất nước. Nếu không bù nước nhanh chóng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Trường hợp bệnh viêm đường ruột cấp ở Poodle đã chuyển biến nặng chúng sẽ kiệt sức nằm một chỗ. Hơn nữa chú cún còn đi ngoài ra máu, thân nhiệt hạ thấp… Ở giai đoạn này thì 80 – 90% khả năng không thể chữa trị.
Cách điều trị bệnh
Nguyên tắc khi điều trị bệnh viêm đường ruột ở chó Poodle là chữa trị ngay khi thấy xuất hiện các biểu hiện đầu tiên. Bên cạnh đó bạn không nên tự mua thuốc về nhà cho thú cưng uống. Bởi các loại thuốc đều cần sự chỉ định của bác sĩ thú y với liều lượng, thời gian sử dụng thích hợp. Thông thường sau khi thăm khám bác sĩ sẽ điều trị bệnh bằng một số loại thuốc chuyên dụng gồm:
- Các loại kháng sinh: Spectylo dùng mỗi liều 1ml với cân nặng 3 – 5 kg. Hoặc Tylenro 5 + 5 với liều 1ml cho cún 10kg trong một ngày.
- Thuốc đặc trị bệnh: Paravet chỉ định mỗi liều 1ml cho Poodle 4kg. P.Atropine sử dụng liều 2ml đối với cún 10 -15 kg. PNa.campho dùng liều 2 – 4ml.
- Bổ sung thêm một số loại thuốc bổ gồm: Vime C liều 500mg, Vitamin B6 liều 1ml, Vitaral liều 1ml cho Poodle 10kg. Thuốc bổ sử dụng hàng ngày để giúp thú cưng nhanh hồi phục sức khỏe.
- Trường hợp Poodle bị tiêu chảy và nôn mửa quá nhiều thì nên truyền glucose 5% mỗi ngày. Biện pháp này giúp cung cấp nước, chất điện giải cho cơ thể.
- Đối với nguyên nhân bệnh do giun móc thì sau khi điều trị khỏi khoảng 7 – 10 ngày, chủ nuôi cần tẩy giun cho cún. Bạn có thể dùng thuốc đặc trị như: Levavet liều 0.5 ml/10 kg, Vimectin 0.1% liều 0.2ml/kg.
Cách phòng tránh bệnh
Bệnh viêm đường ruột ở chó Poodle gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Mặt khác quá trình điều trị cũng lâu dài và tốn kém chi phí, công sức chăm sóc. Bởi vậy chủ nuôi nên phòng tránh bằng những biện pháp cơ bản như:
- Cho chú cún ăn thực phẩm sạch, uống nước sôi, thực phẩm sống cần được nấu chín. Tuyệt đối không cho Poodle dùng thịt sống hoặc trứng sống.
- Bát ăn, khay uống nước của cún phải tráng rửa sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng. Đối với thức ăn thừa đã ôi thiu, hết hạn sử dụng hãy nhanh chóng đổ đi.
- Chủ nuôi thực hiện việc tẩy giun định kỳ cho Poodle khoảng 2-3 tháng/lần.
- Tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin cho cún ngay từ khi còn nhỏ giúp phòng tránh các bệnh đường ruột do virus gây ra.
Bệnh Care (hay bệnh Sài sốt – Distemper) ở chó Poodle
Care hay Sài sốt – Distemper là một trong những căn bệnh thường gặp ở chó Poodle. Trong đó các cá thể chưa tiêm phòng thường có nguy cơ mắc cao hơn. Hiện tại bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên tỷ lệ tỷ vong cao khoảng 80 – 90%.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh Care xuất hiện phổ biến trong điều kiện thời tiết có sự thay đổi đột ngột. Đặc biệt là thời điểm mưa nhiều, độ ẩm cao. Lúc này môi trường thuận lợi khiến cho virus Care sinh sôi và xâm nhập vào cơ thể Poodle. Những chú cún Poodle từ 2-12 tuần tuổi hệ miễn dịch kém sẽ trở thành mục tiêu để virus tấn công mạnh mẽ.
Biểu hiện của bệnh
Khi mắc bệnh Care, hầu hết các chú chó Poodle đều xuất hiện triệu chứng đầu tiên là sốt cao khoảng 39 – 42 độ C. Bệnh khiến đường hô hấp bị viêm nhiễm nặng với các biểu hiện gồm ho kéo dài, mắt sưng húp, chảy nước mũi, dịch nhầy chảy ra ở mắt. Một vài ngày sau cún thở khò khè, khó thở do viêm phổi cấp.
Sau đó virus Care sẽ tiếp tục tấn công vào hệ tiêu hóa của Poodle. Lúc này thú cưng lại có biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy ra máu và dần kiệt sức vì mất quá nhiều nước. Một số chủ nuôi có thể nhầm lẫn với những dấu hiệu của bệnh viêm đường ruột.
Khi virus Care xâm nhập vào hệ thần kinh Poodle thường rơi vào tình trạng run rẩy, chảy nước dãi, lên cơn co giật, không thể đi lại. Hơn nữa trên da cún nổi lên các nốt mụn mủ kích thước to. Như vậy bệnh đã chuyển biến nặng và cực kỳ nguy hiểm.
Cách điều trị bệnh
Theo các bác sĩ thú ý thì bệnh Care có khả năng lây lan nhanh. Khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh chủ nuôi cần tách đàn ngay lập tức để tránh truyền nhiễm sang những chú chó khỏe mạnh khác. Sau đó chúng ta nhanh chóng đưa Poodle đến phòng khám thú y để xác định nguyên nhân và có hướng chữa trị phù hợp.
Đối với căn bệnh này bác sĩ thường chỉ định dùng kháng sinh trị nhiễm khuẩn, phòng tránh virus lây lan như: Vimexyson C.O.D, Spectylo, Vime-Tobra, Amoxi 15 % LA, Lincocin 10%… Kết hợp với các loại thuốc bổ, vitamin gồm: Complex fortified, Paravet, Atropin, Na.campho, Vitamin C, Vitamin B…
Trường hợp chó Poodle bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều cần truyền dịch Glucose 5% giúp bù nước, điện giải cho cơ thể nhanh phục hồi. Khi chữa trị sớm cơ hội khỏi bệnh Care khá cao. Tuy nhiên bệnh có thể để lại những di chứng nặng. Điển hình là tình trạng động kinh, dị tật ở chân, ốm yếu, co giật.
Cách phòng tránh bệnh
Ở thời điểm hiện tại bệnh Care chưa có thuốc đặc trị. Bởi vậy tiêm phòng là cách phòng tránh duy nhất cho Poodle. Chủ nuôi nên bắt đầu tiêm phòng vaccine phòng bệnh Care (VN) hoặc dùng vaccine DHPPi + L (Hà lan) khi thú cưng đủ 3 tháng tuổi.
Bên cạnh đó chúng ta phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, nơi ở của cún con. Tránh để tình trạng ẩm ướt hay nấm mốc lâu ngày. Đồng thời người nuôi xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học dành riêng cho Poodle. Điều này giúp tăng sức đề kháng, tái tạo năng lượng hiệu quả giúp Poodle chống lại bệnh.
Bệnh viêm da ở chó Poodle
Khi nói đến những căn bệnh thường gặp ở chó Poodle thì viêm da là tình trạng phổ biến. Bệnh viêm da có khả năng xuất hiện ở nhiều giống chó, mèo cảnh khác nhau. Bởi vậy chủ nuôi hãy nắm bắt kỹ các dấu hiệu, cách điều trị bệnh như sau:
Nguyên nhân gây bệnh
Bộ lông của Poodle mọc dày, rậm rạp và xoăn xù. Nó trở thành nơi trú ẩn lý tưởng của các loại ký sinh trùng như ve chó, bọ chét, rận… Sau khi có môi trường ký sinh chúng sẽ hút máu để phát triển và sinh sản. Từ đó dẫn đến tình trạng lở loét, nấm da cho Poodle. Chúng không còn sở hữu vẻ ngoài đáng yêu, xinh xắn như trước.
Bệnh viêm da cũng có thể do quá trình cắt tỉa lông chúng ta làm cho da của thú cưng bị tổn thương. Khi không chữa trị kịp thời vùng tổn thương sẽ bị nhiễm trùng nặng. Thậm chí còn làm cho da của Poodle bị hoại tử nghiêm trọng.
Biểu hiện của bệnh
Một trong những biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh viêm da là Poodle cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Những chú cún mắc bệnh thường liên tục gặm nhấm, bứt lông, cào cấu bộ lông. Tại vùng da bị viêm xuất hiện tình trạng chảy mủ, đóng vảy và vón thành từng cục trên lông.
Ngoài ra, viêm da cũng làm cho Poodle bị rụng lông. Bởi vậy khi thấy Poodle rụng lông quá nhiều chúng ta nên nhanh chóng kiểm tra bề mặt da. Sau đó đưa thú cưng đến gặp bác sĩ thú y để thăm khám kịp thời.
Cách điều trị bệnh
Viêm da là căn bệnh có thể xuất hiện nhiều lần trong suốt vòng đời của Poodle. Đối với trường hợp bệnh nhẹ vẫn có khả năng điều trị tại nhà mà không cần mang đến bác sĩ thú y. Việc đầu tiên chủ nuôi cần làm là cắt bỏ phần lông ở vị trị viêm giúp vùng da thông thoáng. Sau đó lấy nước muối pha loãng hoặc oxy già rửa sạch da.
Phương pháp này cần thực hiện hàng ngày để kháng khuẩn, chống nhiễm trùng. Tiếp đến bạn nên dùng thuốc Bivermectin 0,1% bằng đường tiêm. Liều lượng tiêm thuốc tùy theo cân nặng của từng chú cún. Chủ nuôi hãy nhờ bác sĩ thú y tư vấn để có cách sử dụng đúng. Ngoài ra chủ nuôi tránh cho vùng da bị viêm tiếp xúc với nước trong quá trình điều trị bệnh.
Đặc biệt: Còn một cách điều trị khác mà Hello Thú Cưng từng sử dụng để giúp cho bé Corgi hết viêm da sau 1 lần, đó là dùng lá chè tươi.
Cách nấu bạn rửa sạch lá chè, chỉ sử dụng lá thôi nhé, bỏ hết lá vào nồi đổ nước vào cho thêm 1 ít muối hột, nấu sao cho đặc xíu để khi nấu xong mình còn pha thêm với nước lạnh, để cho nước ấm ấm và bắt đầu tắm cho bé, tắm và sấy khô như bình thường. Sau 1 đến 2 lần bạn sẽ thấy kết quả bất ngờ.
Cách phòng tránh bệnh
- Kiểm tra thường xuyên bộ lông, tình trạng da của Poodle để phát hiện nhanh các triệu chứng của bệnh viêm da.
- Chủ nuôi cần tắm gội, vệ sinh cơ thể thú cưng thật sạch sẽ. Khi lông của Poodle bị ẩm ướt thì hãy sấy khô ngay lập tức. Tránh cho vi khuẩn trên da có điều kiện thuận lợi để sinh sôi và phát triển.
- Nếu muốn phòng tránh các loại ký trình trùng trên da Poodle, chủ nuôi phải cắt tỉa lông cún gọn gàng. Tốt nhất nên mang thú cưng đi spa để họ vệ sinh, cắt tỉa lông đúng cách. Nhờ đó sẽ hạn chế làm tổn thương da của vật nuôi.
- Đảm bảo cho nơi ở, nguồn thức ăn và nước uống cho Poodle thật sạch sẽ. Điều này giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, ký sinh trùng nguy hại.
Bệnh ho cũi ở chó Poodle
Họ cũi thường gọi với tên khác là viêm khí quản hoặc phế quản truyền nhiễm. Nó được liệt kê vào danh sách những bệnh thường gặp ở chó Poodle về đường hô hấp. Bấy kỳ chú chú nào cũng có khả năng nhiễm bệnh tối thiểu một lần trong quá trình sống. Bệnh ho cũi nếu điều trị muộn có thể đe dọa đến tính mạng của Poodle.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh ho cũi xuất hiện phổ biến ở những chú Poodle dưới 6 tháng tuổi trong điều kiện nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột. Nhất là các bé cún mới nhập khẩu từ nước ngoài về. Chúng chưa thích nghi với đặc điểm khí hậu ở Việt Nam. Bởi vậy khả năng nhiễm bệnh luôn ở mức cao.
Vi khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ho cũi. Trong đó có vi khuẩn Parainfluenza và Bordetella lan truyền trong không khí. Sau đó xâm nhập vào cơ thể của Poodle khi gặp điều kiện thuận lợi. Hoặc do chú cún của bạn tiếp xúc với những cá thể khác chứa sẵn mầm bệnh.
Biểu hiện của bệnh
Trong trường hợp bệnh nhẹ Poodle sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho khan kéo dài, cơn ho thường kéo dài, to tiếng, chảy nước mũi, mắt sưng đỏ… Những dấu hiệu này có thể kéo dài khoảng 15 ngày. Nếu chủ nuôi không được chữa trị sớm thì bệnh ngày càng diễn biến nặng hơn.
Đối với trường hợp bệnh nặng thì biểu hiện của bệnh ho cũi ở Poodle khá phức tạp. Thú cưng rơi vào tình trạng bỏ ăn, sốt cao, cơn ho nặng nề và khó thở. Thậm chí chú cún có thể kiệt sức, bất tỉnh. Tuy nhiên tình trạng này chủ yếu xảy ra ở Poodle chưa được tiêm phòng hoặc hệ miễn dịch đang suy giảm.
Cách điều trị bệnh
Khi nhận thấy Poodle xuất hiện những cơn ho đầu tiên, bạn cần đưa Poodle đến phòng khám thú ý để thăm khám. Đối với bệnh phế quản truyền nhiễm, bác sĩ thường chỉ định dùng kháng sinh để giảm triệu chứng ho. Hoặc dùng thuốc để chữa trị viêm nhiễm, tránh vi khuẩn lây lan. Tất cả các loại thuốc đều phải dùng đúng liều lượng, thời gian theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Cách phòng tránh bệnh
Cách phòng tránh bệnh ho cũi tốt nhất ở Poodle tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Vắc xin có khả năng phòng bệnh trong vòng 12 tháng. Chủ nuôi nên đưa cún cưng đi tiêm lặp lại đều đặn mỗi năm để chống lại những căn bệnh về đường hô hấp.
Hơn nữa trong quá trình nuôi dưỡng Poodle chúng ta phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, lượng nước sạch mỗi ngày. Nhờ vậy thú cưng có thể tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch. Poodle sẽ phòng tránh được nguy cơ lây nhiễm từ những cá thể đang mắc bệnh ngay cả khi tiếp xúc gần.
8 căn bệnh thường gặp khác ở chó poodle
Theo các chuyên gia, bệnh thường gặp ở chó Poodle rất đa dạng. Mỗi bệnh sẽ có nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị riêng. Nếu không muốn thú cưng của mình chịu bất kỳ tổn hại nào về sức khỏe bạn cần có chế độ chăm sóc phù hợp. Đồng thời chủ nuôi cũng phải nhận biết 8 bệnh phổ biến dưới đây để phòng tránh tốt.
Hiện tượng bước đi kỳ lạ của Poodle
Những chú Poodle khỏe mạnh thường rất nhanh nhẹn, thích chạy nhảy và chơi đùa. Tuy nhiên có thời điểm chúng bước đi loạng choạng, lảo đảo, không vững chắc. Nguyên nhân có thể do dưới dây cún bị vật lạ đâm vào hoặc những con ve, con bọ đang trú ẩn trong kẽ chân. Chủ nuôi nên kiểm tra và gắp hết ra ngoài.
Trường hợp khác chó Poodle đang mắc bệnh viêm xương khớp, tơi xương, còi xương. Những căn bệnh làm cho đôi chân của thú cưng bị mất thăng bằng, bước đi không vững. Đối với các dòng chó nhỏ như Poodle Tiny, Poodle Teacup không có biểu hiện bất thường gì. Nguyên nhân thường do thiếu canxi hay chân bị trật khớp.
Bệnh ghẻ, ve rận ở Poodle
Bệnh ghẻ, ve rận là một trong những bệnh thường gặp ở chó Poodle. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do thú cưng không được vệ sinh sạch sẽ. Chủ nuôi không thường xuyên dọn dẹp cho nơi ở của cún. Điều này khiến các loài ve, bọ, rận sinh sôi và phát triển trên bộ lông của Poodle.
Các loài sinh vật sẽ ký sinh và hút máu dần trên cơ thể Poodle. Một thời gian sau da thú cưng xuất hiện triệu chứng viêm loét. Đồng thời, thú cưng còn phải đối mặt với nguy cơ bạc lông hoặc rụng lông làm mất đi vẻ ngoài xinh xắn.
Nguyên nhân của bệnh ghẻ cũng có thể bắt nguồn từ việc Poodle sử dụng các dòng sữa tắm có độ pH quá cao. Loại sữa tắm này khiến chất nhờn trên da thú cưng bị bào mòn. Lâu dần da yếu đi, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng ghẻ xâm nhập. Ký sinh trùng sẽ gây rụng lông kèm theo hiện tượng nấm, ghẻ lở loét trên da.
Bệnh biếng ăn của Poodle
Khi được dùng những đồ ăn mà mình yêu thích, phù hợp với độ tuổi thì Poodle sẽ tỏ ra vô cùng thích thú. Trong điều kiện sức khỏe tốt thú cưng sẽ ăn ngon lành. Tuy nhiên khi cơ thể gặp vấn đề chúng sẽ không còn hứng thú với việc ăn uống. Thậm chí nó còn nhìn vào đồ ăn một cách buồn bã, không động đậy, ngoảnh mặt đi.
Sau khi nhận thấy Poodle có biểu hiện biếng ăn chủ nuôi nên bình tĩnh và theo dõi tình trạng sức khỏe của chúng trong 1 – 2 ngày. Hết thời gian này mà chú cún vẫn chán ăn, bỏ bữa thì hãy nhanh chóng đưa đến phòng khám thú y. Nhất là đối với những cá thể sụt cân nhanh chóng với thể trạng rất mệt mỏi.
Hiện tượng uống nhiều nước ở Poodle
Mỗi ngày cơ thể Poodle cần được cung cấp một lượng nước nhất định. Nguồn chất lỏng này sẽ giúp chúng giải khát, tái tạo năng lượng sau khi hoạt động và điều tiết nhiệt độ cơ thể ở mức phù hợp. Nếu bỗng dưng thú cưng uống nhiều nước hơn bình thường thì chủ nuôi cần kiểm tra lại chế độ ăn uống.
Một số người cho cún ăn thực phẩm mặn nên cần điều chỉnh để giảm lượng muối xuống mức phù hợp. Ngoài ra nguyên nhân Poodle uống nhiều nước còn có thể do chúng đang bị sốt cao, tiểu đường, đái tháo đường, tiêu chảy hoặc mắc bệnh thận… để nhanh chóng xác định được bệnh chúng ta cần mang khám bác sĩ thú ý.
Hiện tượng tỏa ra mùi hôi ở Poodle
Poodle không có mũi cơ thể như những giống chó khác. Do đó khi bạn phát hiện mùi hôi tỏa ra từ cơ thể thú cưng, hãy nhanh chóng đưa chúng đi kiểm tra. Mùi hôi này thường xuất hiện do bệnh hôi miệng, miệng bị viêm. Hoặc Poodle bị viêm tai ngoài, viêm tai trong, loét tai kèm theo mủ…
Khi mùi hôi bắt nguồn từ bộ lông, có khả năng thú cưng bị viêm da hay u nang ở khu vực hậu môn. Trường hợp Poodle mắc bệnh viêm tử cung, viêm bài tiết, viêm loét đường sinh dục thì cơ quan sinh dục sẽ có mùi. Đối với từng căn bệnh bác sĩ thú ý lại chỉ định phương thuốc điều trị riêng sao cho hiệu quả nhất.
Bệnh sưng, đau, chảy nước mắt ở Poodle
Đôi mắt bị sưng đau, chảy nước là bệnh thường gặp ở chó Poodle hay bất kỳ giống chó, mèo nào khác. Hiện tượng xảy ra có thể do thú cưng đang mắc bệnh trong cơ thể hoặc môi trường sống ô nhiễm. Bệnh này thường dễ nhận biết qua dấu hiệu như: mắt sưng, xung quanh mắt có chất nhầy và chảy nước.
Trong trường hợp Poodle bị sưng, đau, chảy nước mắt chủ nuôi không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt về điều trị tại nhà. Bởi một số loại thuốc chứa thành phần nguy hại, làm cho bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn. Tốt nhất hãy mang đến phòng khám thú y để bác sĩ kiểm tra và chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Poodle bị bệnh rụng lông
Một trong những ưu điểm nổi bật của Poodle khiến nhiều người thích thú là bộ lông xoăn dày, rậm rạp, ít rụng. Tuy nhiên vì một lý do nào đó bộ lông đột nhiên rụng dần gây mất thẩm mỹ. Trong hoàn cảnh này bạn nên kiểm tra lại thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của thú cưng, xem đã đủ nhóm chất hay chưa.
Nếu chúng bị thiếu vitamin hay protein thì sẽ hạn chế quá trình mọc dài của bộ lông, thậm chí lông rụng nhiều. Mặt khác những căn bệnh như ghẻ lở, nấm, viêm da… cũng trở thành nguyên nhân khiến thú cưng rụng lông. Một số chú Poodle mắc bệnh giun móc sẽ nhợt nhạt ở kết mạc, lông khô và rối, dễ đứt.
Thậm chí bệnh còn khiến lông rụng thành từng mảng, lộ cả da với những đốm mụn dày đặc. Ngoài ra, hiện tượng rụng lông còn do khí hậu thời tiết thay đổi. Lúc này bộ lông cũ của Poodle rụng đi, sau đó mọc mới cho phù hợp với ngoại hình.
Chó Poodle bị nôn ra nước vàng
Chó Poodle bị nôn ra nước vàng là tình trạng đáng báo động chủ nuôi cần quan tâm. Nước màu vàng có thể ở dạng lỏng hoặc đặc như dịch mật. Nó thường bắt nguồn từ các vấn đề ở đường tiêu hóa. Một số nguyên nhân gây bệnh như:
Bao tử rỗng: Khi bụng cún trống rỗng trong thời gian dài, dịch mật sẽ kích thích niêm mạc dạ dày. Điều này làm chú Poodle nôn mửa ra chất dịch có màu vàng. Thời điểm chó nôn mửa thường là lúc giữa đêm hoặc sáng sớm. Do đó chủ nuôi cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày cho thú cưng.
Dị ứng thực phẩm: Một số chú Poodle bị dị ứng với sản phẩm làm từ bơ sữa, ngô (bắp), thịt, đậu nành… Hoặc thú cưng ăn phải cỏ cây độc hại, dùng thức ăn quá khô không hợp với độ tuổi. Người nuôi nên chú ý những yếu tố này để xây dựng cho cún yêu chế độ ăn uống thích hợp nhất.
Poodle mắc các bệnh lý: Tình trạng chó Poodle nôn ra nước vàng không quá nguy hiểm, thường do rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên nếu hiện tượng này xảy ra nhiều lần trong ngày thì có thể thú cưng đang mắc bệnh lý nguy hiểm. Bạn sẽ thấy một vài dấu hiệu kèm theo như tiêu chảy, sốt, hôn mê…
Lời kết
Trên đây là thông tin về các bệnh thường gặp ở chó Poodle mà Hello Thú Cưng muốn chia sẻ đến bạn đọc. Mỗi căn bệnh xuất hiện thường có nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và biện pháp phòng tránh riêng. Nếu muốn chăm sóc tốt cho Poodle chúng ta nên tìm hiểu kỹ để bảo vệ sức khỏe cho thú cưng của mình. Khi nhận thấy cơ thể cún yêu có những biểu hiện bất thường bạn không được tự ý điều trị. Hãy đưa Poodle đi khám bác sĩ để phòng tránh biến chứng nguy hiểm.